I. NỘI DUNG KIẾN THỨC
1. Căn cứ
1.1. Theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tính đến thời điểm được kiểm tra khảo sát.
1.2. Theo Kế hoạch dạy học và Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục nộp Sở GDĐT theo hướng dẫn tại các Công văn số 3899/BGDĐT-GDTrH ngày 3/8/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công văn số 3238/SGDĐT-GDTrH ngày 07 tháng 9 năm 2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục cấp trung học phổ thông năm học 2023-2024 và Công văn số 3180/SGDĐT-GDTX-ĐH ngày 30/8/2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với Giáo dục thường xuyên.
2. Nội dung cụ thể
2.1. Môn Ngữ Văn
Kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu, năng lực viết của học sinh theo các yêu cầu cần đạt sau:
a. Năng lực đọc hiểu
- Nhận biết và phân tích được các chi tiết tiêu biểu, đề tài, câu chuyện, sự kiện, nhân vật, người kể chuyện, lời người kể chuyện, lời nhân vật và mối quan hệ của chúng trong tính chỉnh thể của tác phẩm truyện.
- Phân tích và đánh giá được chủ đề, tư tưởng, thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc thông qua hình thức nghệ thuật của văn bản; phân biệt chủ đề chính, chủ đề phụ trong một văn bản có nhiều chủ đề.
- Phân tích và đánh giá được tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo của người viết thể hiện qua văn bản; phát hiện được các giá trị văn hoá, triết lí nhân sinh từ văn bản.
- Nhận biết và phân tích được một số đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ văn học: tính hình tượng, tính đa nghĩa, tính hàm súc cô đọng, tính cá thể hóa,…
b. Năng lực thực hành viết
- Viết được đoạn văn nghị luận phân tích, đánh giá một nét đặc trưng tiêu biểu về thể loại của một đoạn thơ hoặc đoạn truyện.
- Viết được bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội: trình bày rõ quan điểm và hệ thống các luận điểm; cấu trúc chặt chẽ, có mở đầu và kết thúc gây ấn tượng; sử dụng các lí lẽ và bằng chứng thuyết phục: chính xác, tin cậy, thích hợp, đầy đủ; có nêu và phân tích, đánh giá các ý kiến trái ngược.
2.2. Môn Toán
Bám sát yêu cầu cần đạt đối với môn Toán lớp 11 trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018, với các nội dung sau:
2.2.1. Hàm số lượng giác và phương trình lượng giác;
2 2.2.2. Dãy số. Cấp số cộng. Cấp số nhân;
2.2.3. Giới hạn. Hàm số liên tục;
2.2.4. Hàm số mũ và hàm số logarit;
2.2.5. Đường thẳng và mặt phẳng trong không gian;
2.2.6. Quan hệ song song trong không gian. Phép chiếu song song;
2.2.7. Phân tích và xử lí dữ liệu.
II. HÌNH THỨC KIỂM TRA KHẢO SÁT
1. Môn Ngữ Văn
1.1. Hình thức kiểm tra khảo sát: Tự luận.
1.2. Thời gian làm bài kiểm tra khảo sát: 120 phút.
2. Môn Toán
2.1. Hình thức kiểm tra khảo sát: Sử dụng hình thức trắc nghiệm khách quan với các dạng thức câu hỏi như sau:
- Dạng thức 1: Câu hỏi trắc nghiệm 04 lựa chọn và chỉ có 01 phương án đúng;
- Dạng thức 2: Câu hỏi trắc nghiệm dạng Đúng/Sai, mỗi câu hỏi có 4 ý, học sinh phải trả lời Đúng/Sai đối với từng ý của câu hỏi;
- Dạng thức 3: Câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. Dạng thức này gần với dạng câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả cuối cùng mà học sinh phải tự điền vào phiếu trả lời.
2.2. Thời gian làm bài kiểm tra khảo sát: 90 phút.
2.3. Số lượng lệnh hỏi:
- Dạng thức 1: Mỗi câu trả lời đúng, học sinh được 0,25 điểm.
- Dạng thức 2: Điểm tối đa của 01 câu hỏi là 1,0 điểm, trong đó:
+ Học sinh chỉ lựa chọn chính xác 01 ý trong một câu hỏi được 0,1 điểm.
+ Học sinh chỉ lựa chọn chính xác 02 ý trong một câu hỏi được 0,25 điểm.
+ Học sinh chỉ lựa chọn chính xác 03 ý trong một câu hỏi được 0,50 điểm.
+ Học sinh lựa chọn chính xác cả 04 ý trong một câu hỏi được 1,0 điểm.
- Dạng thức 3: Mỗi câu trả lời đúng, học sinh được 0,5 điểm
Comments